Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

Khám

Bài này mình viết hồi tháng 3/2013  - nay sửa lại một chút cho bớt sự riêng tư để đăng public ở đây.

Sau chuyến đi chơi Cambodia về thì mình bị phát ngay cơn thần kinh khốn khổ. Hai ngày liền, hơi tí là khóc ... nghĩ phải tìm cách tự cứu thôi, không lần lữa được nữa.
Cái chứng bệnh giả vờ của mình làm mình rất khổ tâm. Muốn mở lời kể với ai đó thì mình cứ cảm thấy như người ta không tin mình, hoặc nếu có thì cũng chỉ hiểu lờ mờ về hiện tượng đó mà thôi.
Sau một thời gian nghiên cứu trên mạng, mình chốt được hai địa điểm là Viện tâm lý thần kinh và Khoa thần kinh BV Đại học y dược.
Cái website của Viện tâm lý hơi sơ sài, phần lớn là bài sưu tầm, còn chi tiết mình cần thì không có.
Sáng thứ tư, mình nghỉ làm để ghé qua BV Đại học y dược trước, sau khi lòng vòng một lúc thì mình được hẹn sáng hôm sau vì sáng thứ tư không khám cái bệnh này. Mình không chờ tới ngày mai mà qua bên viện tâm lý luôn vì mong muốn có một cái gì để bám víu.

Cái "viện" hơi nhỏ so với trí tưởng tượng của mình - Như một kiểu khách sạn mini. Cô tiếp tân nói mình có thể đợi tới 10 giờ 30 không - Lúc đó là 10g10 nên đương nhiên là mình đồng ý. Nhưng phải đến gần 11 giờ BS mới đến, và còn phải khám cho hai em bé nữa nên khi tới mình thì đã 11g30.


Bác sĩ trẻ, rất chỉn chu - nhưng mình hơi e ngại đôi mắt sau cặp kính. Đôi mắt không có gì đặc biệt, hơi nhỏ ... chỉ có điều có tướng "tam bạch đản".
Mình trình bày với BS là mình bla bla bla .... BS hỏi mình có hay quên không - Mình nói dạo gần đây hình như có hơi quên. Rồi hỏi mình có mất ngủ không, mình nói ngủ tốt thậm chí hơi nhiều, ăn tốt, thấy ngon miệng. BS hỏi mình ngủ có mơ không, mình nói có. BS nói vậy là ngủ không tốt, óc vẫn hoạt động trong khi ngủ. Rồi BS cho mình một bảng câu hỏi, mình ghi câu trả lời đầu tiên xuất hiện trong đầu. Cuối cùng BS hỏi về thu nhập của mình - Mới nghe, mình tưởng là ý BS muốn biết có phải vấn đề kinh tế làm mình stress không, nhưng sau đó BS nói rõ rằng muốn biết mình có khả năng chi trả cho việc theo đuổi điều trị hay không vì điều trị sẽ kéo dài ít nhất 9 tháng đến 1 năm, và rằng nếu mình ít tiền, BS sẽ kê toa những loại thuốc rẻ hơn (và dĩ nhiên kèm theo đó sẽ là nhiều tác dụng phụ hơn) , và rằng nếu vì kinh tế mà bỏ ngang nửa chừng thì rất tai hại và uổng phí v.v... rồi kết luận là chi phí mỗi tháng khoảng 3-4 triệu đồng (thuốc uống khoảng hơn 100k/ngày) - mình đồng ý. Rồi BS nói ban đầu vất vả vì cách ngày phải đến tiêm thuốc - thuốc tăng cường trí nhớ, mỗi mũi là 400k đồng. Mình ok luôn. Vậy là BS ghi toa cho y tá chích thuốc. Nhìn ống thuốc mình hơi ngại, nhưng nghĩ BS đã kê toa rồi chắc cũng ổn. Chích xong ra ngoài chờ lấy thuốc, một lúc thì BS đem ra cho mình một gói 5 loại thuốc. Cô tiếp tân tính tiền mình là 1,15 triệu đồng. Mình hơi hoảng, nhưng bình tĩnh lại ngay ...mình cầm gói thuốc một lúc rồi hỏi cô tiếp tân là sao không có toa thuốc (BS đưa thuốc cho mình xong đã đi vào trong) - Cô tiếp tân nói là BS giữ lại toa để theo dõi. Mình tần ngần đứng im một lúc thì BS ở bên trong đi ra giải thích cho mình lý do không toa "Bởi vì nếu ghi toa cho chị, chị sẽ lên mạng tra và có thể chị sẽ hoảng hốt về tác dụng những loại thuốc tôi cho. Chị cứ yên tâm chữa trị khoảng 1 tháng, sau khi ổn định tôi sẽ đưa toa thuốc cho chị. Lý do là vì sức khỏe của chị chứ tôi cũng không có gì phải giấu cả - chị cứ về uống thuốc, nếu có triệu chứng gì như buồn nôn, chóng mặt gì đó thì gọi điện cho tôi". 
Mình gật gù, trả tiền rồi lấy thuốc về.
Trên đường về, mình còn tính toán lên lịch việc quay lại tiêm thuốc vào lúc nào, rồi chuẩn bị chi phí cho công cuộc điều trị dài hơi này.
Nhưng tới chiều thì mình bình tĩnh lại ... nhớ lại cuộc tiếp xúc với BS.
- Mình nói trí nhớ mình dạo này có hơi quên, nhưng vẫn ổn - BS kê ngay cho mình chích thuốc tăng trí nhớ tới 400k/ống - đâu có cần thiết.
- Mình nói mình ăn ngủ tốt - BS cố hỏi có mơ không rồi nói mình ngủ không tốt vì mình mơ - cho thuốc uống an thần, tăng cường chuyện ngủ (dặn mình đừng uống thuốc khuya quá kẻo sáng dậy không nổi), trong khi mình ngủ tốt, thậm chí ngủ quá nhiều.
- BS nói chi phí bình quân khoảng 3-4 triệu/tháng. Nhưng ngay tháng đầu tiên quất liền 7tr/tháng (kể cả tiền chích thuốc trí nhớ)
- Mình có khai là mình bị vô sinh - nhưng chẳng thấy BS hỏi thêm gì về việc này - mà theo mình biết thì nó khá quan trọng trong sự liên quan tới stress và trầm cảm nói chung.
- Nhất là không kê toa thuốc với những lời giải thích thiếu khoa học.

Mình quyết định không uống thuốc - và không quay lại đấy nữa. Hic

Thứ Ba, 22 tháng 7, 2014

Trắc nghiệm Beck



Để xác định mức độ trầm cảm, thông thường người đi khám bệnh sẽ được làm một bài trắc nghiệm. Bài trắc nghiệm Beck này khá phổ biến và được nhiều nơi khám chữa bệnh sử dụng. Dưới đây là nghiệm pháp Beck của phòng khám tâm lý Bệnh viện Bạch Mai sử dụng.

Trong bảng này gồm 21 đề mục được đánh số từ 1 đến 21, ở mỗi đề mục có ghi một số câu phát biểu. Trong mỗi đề mục hãy chọn ra một câu mô tả gần giống nhất tình trạng mà bạn cảm thấy trong 1 tuần trở lại đây, kể cả hôm nay. Khoanh tròn vào con số trước câu phát biểu mà bạn đã chọn. Hãy đừng bỏ sót đề mục nào!

1.   0          Tôi không cảm thấy buồn.   
      1          Nhiều lúc tôi cảm thấy buồn.           
      2          Lúc nào tôi cũng cảm thấy buồn.           
      3          Tôi rất buồn hoặc rất bất hạnh đến mức không thể chịu được. 

2.   0          Tôi không nản lòng về tương lai.           
      1          Tôi cảm thấy nản lòng về tương lai hơn trước.           
      2          Tôi cảm thấy mình chẳng có gì mong đợi ở tương lai cả.           
      3          Tôi cảm thấy tương lai tuyệt vọng và tình hình chỉ có thể tiếp tục xấu đi. 

3.   0          Tôi không cảm thấy như bị thất bại.           
      1          Tôi thấy mình thất bại nhiều hơn những người khác.           
      2          Nhìn lại cuộc đời, tôi thấy mình đã có quá nhiều thất bại.           
      3          Tôi cảm thấy mình là một người hoàn toàn thất bại. 

4.   0          Tôi còn thích thú với những điều mà trước đây tôi vẫn thường thích. 
      1          Tôi ít thấy thích những điều mà trước đây tôi vẫn thường ưa thích.     
      2          Tôi còn rất ít thích thú về những điều trước đây tôi vẫn thường thích.  
      3          Tôi không còn chút thích thú nào nữa. 

5.   0          Tôi hoàn toàn không cảm thấy có tội lỗi gì ghê gớm cả.           
      1          Phần nhiều những việc tôi đã làm tôi đều cảm thấy có tội.           
      2          Phần lớn thời gian tôi cảm thấy mình có tội.           
      3          Lúc nào tôi cũng cảm thấy mình có tội. 

6.   0          Tôi không cảm thấy đang bị trừng phạt.           
      1          Tôi cảm thấy có lẽ mình đang bị trừng phạt.           
      2          Tôi mong chờ bị trừng phạt.
      3          Tôi cảm thấy mình đang bị trừng phạt.

7.   0          Tôi thấy bản thân mình vẫn như trước kia.           
      1          Tôi không còn tin tưởng vào bản thân.           
      2          Tôi thất vọng với bản thân.           
      3          Tôi ghét bản thân mình. 

8.   0          Tôi không phê phán hoặc đổ lỗi cho bản thân hơn trước kia.           
      1          Tôi phê phán bản thân mình nhiều hơn trước kia.           
      2          Tôi phê phán bản thân về tất cả những lỗi lầm của mình.           
      3          Tôi đổ lỗi cho bản thân về tất cả mọi điều tồi tệ xảy ra. 

9.   0          Tôi không có ý nghĩ tự sát.           
      1          Tôi có ý nghĩ tự sát nhưng không thực hiện.           
      2          Tôi muốn tự sát.           
      3          Nếu có cơ hội tôi sẽ tự sát. 

10. 0          Tôi không khóc nhiều hơn trước kia.           
      1          Tôi hay khóc nhiều hơn trước.           
      2          Tôi thường khóc vì những điều nhỏ nhặt.           
      3          Tôi thấy muốn khóc nhưng không thể khóc được. 

11. 0          Tôi không dễ bồn chồn và căng thẳng hơn thường lệ.           
      1          Tôi cảm thấy dễ bồn chồn và căng thẳng hơn thường lệ.           
      2          Tôi cảm thấy bồn chồn và căng thẳng đến mức khó có thể ngồi yên được.           
      3          Tôi thấy rất bồn chồn và kích động đến mức phải đi lại liên tục hoặc làm việc gì đó.  

12. 0          Tôi không mất sự quan tâm đến những người xung quanh hoặc các hoạt động khác.   
      1          Tôi ít quan tâm đến mọi người, mọi việc xung quanh hơn trước.   
      2          Tôi mất hầu hết sự quan tâm đến mọi người, mọi việc xung quanh.       
      3          Tôi không còn quan tâm đến bất kỳ điều gì nữa. 

13. 0          Tôi quyết định mọi việc cũng tốt như trước.           
      1          Tôi thấy khó quyết định mọi việc hơn trước.           
      2          Tôi thấy khó quyết định mọi việc hơn trước rất nhiều.           
      3          Tôi chẳng còn có thể quyết định được việc gì nữa. 

14. 0          Tôi không cảm thấy mình là người vô dụng.           
      1          Tôi không cho rằng mình có giá trị và có ích như trước kia.           
      2          Tôi cảm thấy mình vô dụng hơn so với những người xung quanh.    
      3          Tôi thấy mình là người hoàn toàn vô dụng. 

15. 0          Tôi thấy mình vẫn tràn đầy sức lực như trước đây.            
      1          Sức lực của tôi kém hơn trước.           
      2          Tôi không đủ sức lực để làm được nhiều việc nữa.           
      3          Tôi không đủ sức lực để làm được bất cứ việc gì nữa. 

16. 0          Không thấy có chút thay đổi gì trong giấc ngủ của tôi.           
      1a        Tôi ngủ hơi nhiều hơn trước.           
      1b        Tôi ngủ hơi ít hơn trước.           
      2a        Tôi ngủ nhiều hơn trước.           
      2b        Tôi ngủ ít hơn trước.           
      3a        Tôi ngủ hầu như suốt cả ngày.           
      3b        Tôi thức dậy 1-2 giờ sớm hơn trước và không thể ngủ lại được. 

17. 0          Tôi không dễ cáu kỉnh và bực bội hơn trước.           
      1          Tôi dễ cáu kỉnh và bực bội hơn trước.           
      2          Tôi dễ cáu kỉnh và bực bội hơn trước rất nhiều.           
      3          Lúc nào tôi cũng dễ cáu kỉnh và bực bội. 

18. 0          Tôi ăn vẫn ngon miệng như trước.            
      1a        Tôi ăn kém ngon miệng hơn trước.           
      1b        Tôi ăn ngon miệng hơn trước.           
      2a        Tôi ăn kém ngon miệng hơn trước rất nhiều.           
      2b        Tôi ăn ngon miệng hơn trước rất nhiều.           
      3a        Tôi không thấy ngon miệng một chút nào cả.           
      3b        Lúc nào tôi cũng thấy thèm ăn. 

19. 0          Tôi có thể tập trung chú ý tốt như trước.           
      1          Tôi không thể tập trung chú ý được như trước.           
      2          Tôi thấy khó tập trung chú ý lâu được vào bất kỳ điều gì.           
      3          Tôi thấy mình không thể tập trung chú ý được vào bất kỳ điều gì nữa. 

20. 0          Tôi không mệt mỏi hơn trước.           
      1          Tôi dễ mệt mỏi hơn trước.           
      2          Hầu như làm bất kỳ việc gì tôi cũng thấy mệt mỏi.           
      3          Tôi quá mệt mỏi khi làm bất kỳ việc gì. 

21. 0          Tôi không thấy có thay đổi gì trong hứng thú tình dục.           
      1          Tôi ít hứng thú với tình dục hơn trước.           
      2          Hiện nay tôi rất ít hứng thú với tình dục.
      3          Tôi hoàn toàn mất hứng thú tình dục.
 Xin hãy kiểm tra lại xem còn bỏ sót đề mục nào chưa đánh dấu nữa hay không!

Chấm điểm cho cậu trả lời.
Trên 15 điểm : Trầm cảm nặng
Từ 8 - 14 điểm : Trầm cảm trung bình
Dưới 14 điểm : Có thể không bị trầm cảm (*)

Thứ Hai, 21 tháng 7, 2014

Con đường "trầm cảm" của tôi


Nói trước luôn là cuộc sống của tôi rất bình thường - nếu không muốn nói là tôi gặp may mắn hơn nhiều người khác. Nhưng tôi vẫn bị trầm cảm. Vì vậy, không phải những người bị bệnh này luôn có nguyên nhân bởi những "cú sốc tâm lý" gì cả. Bị trầm cảm - cũng như bị nổi mề đay, bị lao, hay bị hói đầu, vậy thôi.

Có thể từ mấy chục năm về trước, tôi đã có dấu hiệu về bệnh này. Nhưng hồi đó, chằng mấy ai nghe nói đến "trầm cảm" nên tôi không biết mình bất thường. Chỉ cảm thấy lúc nào cũng lười, không muốn làm gì, mà không làm gì cũng thấy chán nản. Hồi đó, ba tôi còn nói cần phải cạo cục nhớt ở lưng tôi - vì tôi quá lười biếng.
Tôi còn hay hờn dỗi - hơi tí là khóc. Mỗi khi khóc, tôi chui vào góc nhà, và tưởng tượng ra đủ thứ tổn thương mà mình đã phải chịu.

Và mọi người chỉ nói tôi là một đứa khó gần, ít nói, lười, học dốt và dễ bị tổn thương.

Đến thời con gái, tôi luôn gặp vấn đề với chu kỳ kinh nguyệt. Những cơn đau bụng mỗi tháng của tôi là một ám ảnh kinh khủng. Tôi lại nghĩ đây là do di truyền, bởi mẹ tôi cũng gặp vấn đề tương tự cho mãi tới khi mãn kinh. Lúc chưa lấy chồng, thì tôi đi bắt mạch, uống thuốc Bắc, thuốc Nam, thuốc tễ v.v... Khi có chồng, tôi đi bệnh viện phụ sản, các phòng phám của bác sĩ phụ khoa ... nhưng không giải quyết được gì. Cho mãi tới khi tôi giải phẫu cắt hết hai phần phụ và tử cung thì tôi mới thoát được sự dây dưa khó chịu của chu kỳ phụ nữa và những cơn đau bụng như xé đôi người.

Và dĩ nhiên, vì thế, tôi vô sinh.

Những cơn buồn, cáu giận ngày càng nhiều - Lúc này thì tôi nghĩ bởi tôi không còn hai phần phụ - nơi sản sinh ra những hoocmon khiến một người đàn bà vui sống. Tôi lại theo đuổi những viên thuốc cân bằng hooc môn hy vọng cuộc sống tươi đẹp hơn.

Nhưng chẳng cải thiện gì mấy. Những cơn đau đầu mỗi ngày. Những cơn giận cố nén. Những lúc đóng cửa phòng khóc một mình ... thậm chí những lúc không chịu nổi, tự tát vào mặt mình, vục đầu vào chậu nước để làm dịu thần kinh. Ngày càng nhiều hơn, và nặng hơn. Ý tưởng tự sát luôn xuất hiện. Tôi nghĩ chỉ có chết đi, tôi mới thoát được thân xác chính mình. Tôi bắt đầu lần mò trên mạng về vấn đề thần kinh của mình.

Một lần, tôi vừa đi du lịch với cơ quan về. Trên đường về, tôi đã thấy hoang mang nghĩ tới lúc bước vào nhà. Và y như rằng ngay khi vào nhà, tôi đã không thể nở một nụ cười, hai ngày sau, một "cơn" bộc phát - Nước mắt, đập đầu vào tường, cấu cào mọi thứ. Để sáng hôm sau tôi quyết tâm đến bệnh viện ĐHYD để tự cứu mình.

Ngày đi khám - tôi thấy tâm trạng nhẹ nhõm biết bao. Với đôi mắt sưng húp vì khóc và cái nhìn thất thần, tôi không phải diễn một bộ mặt vui vẻ, không phải dấu diếm sự mệt mỏi của mình, không phải cười với ai cả - bởi tôi bị trầm cảm mà.

Đã gần 2 năm trôi qua, nghĩ lại những ngày tháng ấy tôi thật sự kinh khủng.
Hiện nay, tôi đang trong giai đoạn điều trị duy trì - Cuộc sống của tôi bình yên. Tôi cười nhiều và vì thế những người thân yêu của tôi cũng nhẹ nhõm và vui vẻ hơn.

Lưu ý khi điều trị trầm cảm

Mình chưa viết được nhiều. Nhưng muốn lưu ý các bạn đang muốn điều trị trầm cảm :
Để bảo vệ bản thân và những hệ lụy có thể có trong việc điều trị - NHẤT ĐỊNH các bạn phải điều trị ở bệnh viện, trung tâm y tế có uy tín.
Phải được tư vấn cặn kẽ trước khi điều trị,
Nếu được chỉ định dùng thuốc, BẮT BUỘC phải được kê toa, tên thuốc và tên BS điều trị rõ ràng.


10 dấu hiệu của bệnh trầm cảm


  1. Mất ngủ (hoặc ngủ quá nhiều): khó vào giấc ngủ, hay thức giấc giữa đêm không ngủ được nữa, hoặc thức dậy từ 2 - 3 giờ sáng kèm theo bồn chồn khó chịu; đôi khi ngủ được mà thức dậy không khỏe.
  2. Chán ăn (hoặc ăn quá nhiều): ăn ít, ăn không ngon, không thích ăn, sợ ăn, sút cân (hoặc tăng cân).
  3. Ngại giao tiếp với người khác, trở nên ít nói bất thường, lười vận động; Người còn đi làm thì giao tiếp miễn cưỡng, né tránh lời thăm hỏi, gắng gượng làm hết việc, đãng trí, cảm thấy bế tắc.
  4. Mất thích thú trong cuộc sống. Đi đứng chậm, cảm giác nặng nề, mệt mỏi, như không còn sức khỏe làm việc, làm nhẹ cũng mau mệt, không thích giao tiếp với mọi người kể cả người thân.
  5. Cảm thấy bồn chồn lo âu, đứng ngồi không yên, đau đầu, mỏi cổ, mỏi gáy, hồi hộp ép ngực, nhức mỏi tay chân và toàn thân, đau ngực, táo bón, sợ lạnh. Khám bác sĩ đa khoa hay tự mua thuốc uống không hết.
  6. Suy nghĩ chậm chạp, buồn rầu, mất hứng thú làm việc, mất hứng thú giải trí hàng ngày (thể thao, xem tivi, sách báo, phim...). Cảm thấy cô độc, thời gian kéo dài lê thê. Đầu óc khó tập trung, do dự trong những việc nhỏ.
  7. Bi quan lo lắng về tương lai cho bản thân và gia đình, sợ điều xấu xảy ra cho bản thân và gia đình.
  8. Nghĩ rằng mình không xứng đáng với bản thân và xung quanh. Cho rằng mình phạm nhiều khuyết điểm, tội lỗi, không muốn tiếp xúc với ai.
  9. Có ý nghĩ chán đời, thường nghĩ tới việc tự sát hay đã có lần tự sát.
  10. Giảm hay rất thèm muốn quan hệ tình dục. 
 (Tổng hợp)

Nguồn : hasanderma.com ; 
             vnexpress.net